Thiết kế và chế tạo HMS_Tiger_(1913)

Tiger là chiếc tàu chiến-tuần dương duy nhất được phê duyệt cho Chương trình Chế tạo Hải quân 1911–1912, cho dù đã có đề nghị bổ sung thêm một chiếc chị em với nó, được đặt tên Leopard, trong Chương trình Hải quân 1912–1913, nhưng bị hoãn lại cho đến năm 1914 như một thành viên thứ sáu của lớp thiết giáp hạm Queen Elizabeth.[3] Tuy nhiên tài liệu lưu trữ không ghi nhận có thêm chiếc tàu chiến-tuần dương nào khác được dự trù trước năm 1914.[4][5][6]

Đặc tính chung

Sơ đồ chiếc HMS Tiger như được mô tả trong Niên giám Hải quân Brassey 1923; cột ăn-ten chính ở vị trí nguyên thủy phía trước

Tiger có chiều dài chung 704 foot (214,6 m), mạn thuyền rộng 90 foot 6 inch (27,6 m) và độ sâu của mớn nước trung bình là 32 foot 5 inch (9,88 m) khi đầy tải nặng. Con tàu có trọng lượng choán nước bình thường là 28.430 tấn Anh (28.890 t) và lên đến 33.260 tấn Anh (33.790 t) khi đầy tải nặng. Mặc dù Tiger chỉ dài hơn 4 foot (1,2 m) và rộng hơn 1 foot 5 inch (0,4 m) so với chiếc tàu chiến-tuần dương Queen Mary dẫn trước, nó lại có trọng lượng choán nước nặng hơn 2.000 tấn Anh (2.000 t) so với con tàu cũ. Nó có một chiều cao khuynh tâm 6,1 foot (1,9 m) khi đầy tải.[7]

Động lực

Tiger có hai bộ turbine hơi nước Parsons dẫn động trực tiếp được đặt trong các phòng động cơ riêng biệt. Mỗi bộ bao gồm một cặp turbine áp lực cao phía trước và phía sau dẫn động trục phía ngoài, cùng một cặp turbine áp lực thấp phía trước và phía sau dẫn động trục phía trong.[8] Các chân vịt ba cánh của nó có đường kính 13 foot 6 inch (4,11 m).[9] Hệ thống cung cấp hơi nước bao gồm 39 nồi hơi ống nước Babcock and Wilcox bố trí trong 5 phòng nồi hơi với áp lực hoạt động 235 psi (1.620 kPa; 17 kgf/cm2).[10] Các turbine được thiết kế để cung cấp công suất 85.000 mã lực càng (63.000 kW), và tối đa có thể đạt 108.000 shp (81.000 kW); nhưng chỉ đạt đến 104.635 shp (78.026 kW) khi chạy thử máy, mặc dù nó chỉ vừa suýt soát đạt đến tốc độ thiết kế 29 hải lý trên giờ (54 km/h; 33 mph).[11]

Trữ lượng nhiên liệu của Tiger gồm 3.800 tấn Anh (3.900 t) dầu đốt và 3.340 tấn Anh (3.390 t) than, lên đến tổng cộng 7.140 tấn Anh (7.250 t), khá thuận lợi khi so sánh với trữ lượng của Queen Mary 4.800 tấn Anh (4.900 t). Sử dụng số liệu duy nhất (không chính thức) về mức độ tiêu hao nhiên liệu hằng ngày của Tiger là 1.245 tấn Anh (1.265 t) ở tốc độ 24 hải lý trên giờ (44 km/h; 28 mph),[12] có thể tính toán ra được rằng nó có tầm xa hoạt động tối đa 3.300 hải lý (6.100 km; 3.800 dặm); trong khi con số tương đương của Queen Mary là khoảng 2.400 hải lý (4.400 km; 2.800 dặm).[13] Bốn dynamo phát điện một chiều cung cấp một công suất 750 kw ở mực điện thế 220 volt.[14]

Vũ khí

Tiger trang bị tám khẩu pháo BL 13,5 in (340 mm) Mk V bố trí trên bốn tháp pháo nòng đôi vận hành bằng thủy lực, được đặt tên 'A', 'B', 'Q' và 'Y' từ trước ra sau. Các khẩu pháo có thể hạ đến góc −3° và nâng lên đến 20°, cho dù bộ kiểm soát hỏa lực điều khiển tháp pháo bị giới hạn ở góc nâng tối đa 15° 21', cho đến khi được trang bị lăng kính ngắm siêu nâng ngay trước trận Jutland vào tháng 5 năm 1916 để có thể ngắm ở góc nâng tối đa.[15] Chúng bắn ra đạn pháo nặng 1.400 pound (635 kg) ở lưu tốc đầu đạn 2.582 ft/s (787 m/s). Ở góc nâng 14,75°, tầm bắn xa của loại đạn pháo xuyên thép (AP) đạt được 20.000 yd (18.288 m); và ở góc nâng 20°, tầm bắn xa được mở rộng đến 23.740 yd (21.708 m). Tốc độ bắn của các khẩu pháo này là 1,5–2 quả đạn pháo mỗi phút.[16] Con tàu mang theo tổng cộng 1.040 quả đạn pháo trong thời chiến, 130 quả cho mỗi khẩu pháo.[10]

Khẩu đội pháo 6 inch bên mạn trái dưới ống khói ngay phía sau tháp pháo Q

Để tự bảo vệ chống lại các tàu phóng lôi, Tiger được trang bị mười hai khẩu BL 6 in (150 mm) Mk VII, đặt trong các tháp pháo ụ.[2] Các khẩu pháo có thể hạ đến góc −7° và nâng lên đến 14°. Chúng bắn ra đạn pháo nặng 100 pound (45 kg) ở lưu tốc đầu đạn 2.775 ft/s (846 m/s) và tầm xa tối đa 14.600 yd (13.400 m) ở góc nâng 14°. Tốc độ bắn của chúng là 5–7 phát mỗi phút.[17] Mỗi khẩu pháo được cung cấp 120 quả đạn.[10]

Con tàu được trang bị một cặp pháo phòng không kiểu QF 3 inch 20 cwt[Ghi chú 1] trên một bệ góc cao Mark II,[2] có khả năng hạ đến 10° và nâng tối đa lên đến 90°. Nó bắn ra đạn pháo nặng 12,5 pound (5,7 kg) với lưu tốc đầu đạn 2.500 ft/s (760 m/s) và tốc độ 12–14 viên mỗi phút. Trần bắn hiệu quả của kiểu pháo này là 23.500 ft (7.163 m).[18] Nguyên thủy Tiger mang theo 300 quả đạn cho mỗi khẩu, nhưng trong chiến tranh bị giảm xuống còn 150 quả mỗi khẩu.[19]

Bốn ống phóng ngư lôi ngầm 21 inch (530 mm) được trang bị bên mạn tàu, một cặp bên mạn phải và một cặp bên mạn trái, trước tháp pháo 'A' và sau tháp pháo 'X'.[19] Chiếc tàu chiến-tuần dương mang theo 20 ngư lôi 21 inch Mk II***[2] có đầu đạn chứa 515 pound (234 kg) thuốc nổ TNT. Tầm xa của chúng là 4.500 thước Anh (4.115 m) ở tốc độ 45 hải lý trên giờ (83 km/h; 52 mph) hoặc 10.750 thước Anh (9.830 m) ở tốc độ 31 hải lý trên giờ (57 km/h; 36 mph).[20]

Kiểm soát hỏa lực

Dàn pháo chính của Tiger được kiểm soát từ cả hai bộ kiểm soát hỏa lực chính và phụ. Bộ kiểm soát hỏa lực chính được đặt trên nóc cột ăn-ten trước, và bộ phụ đặt trên cấu trúc thượng tầng phía sau trong tháp điều khiển ngư lôi.[10] Dữ liệu đo được từ máy đo tầm xa Argo 9 foot (2,7 m) trong một vỏ giáp bảo vệ đặt bên trên tháp chỉ huy được nạp vào một bộ Argo Clock Mk IV (một máy tính cơ khí kiểm soát hỏa lực) đặt trong trạm truyền tin bên dưới tháp chỉ huy dưới mực nước, nơi chúng được biên dịch thành dữ liệu tầm xa và độ lệch được các khẩu pháo sử dụng.[21] Một bộ Dumaresq Mark VII* đặt trên tháp bọc thép xoay theo mục tiêu để cung cấp thông tin về phương vị cho trạm truyền tin giúp vào việc định vị và tính toán. Một trạm truyền tin thứ hai được trang bị cho dàn pháo hạng hai của con tàu,[22] cho dù hai bộ điều khiển hỏa lực cho các khẩu pháo này, một bộ cho mỗi bên mạn, chỉ được trang bị vào năm 1915.[23][24]

Kỹ thuật kiểm soát hỏa lực tiến bộ nhanh chóng vào những năm ngay trước thế chiến, và việc phát triển hệ thống định hướng hỏa lực là một sự phát triển đáng kể. Nó bao gồm bộ kiểm soát hỏa lực đặt trên cao của con tàu, cung cấp bằng điện góc nâng và góc xoay của tháp pháo bằng con trỏ, và các pháo thủ làm theo chỉ dẫn đó. Các khẩu pháo được bắn đồng thời, giúp vào việc quan sát điểm rơi của đạn pháo cũng như hạn chế ảnh hưởng của sự chòng chành con tàu trên sự phân tán của đạn pháo.[25]

Trong chiến tranh các máy đo tầm xa của Tiger được gia tăng cả về số lượng lẫn kích cỡ. Đến cuối chiến tranh, các tháp pháo 'A' và 'Q' trang bị máy đo tầm xa 25 foot (7,6 m), trong khi tháp pháo 'X', nóc bọc thép bên trên tháp chỉ huy (còn gọi là tháp điều khiển pháo) và tháp điều khiển ngư lôi có máy đo tầm xa 15 foot (4,6 m). Một máy đo tầm xa 12 foot (3,7 m) đặt trên đỉnh cột ăn-ten trước và ba máy đo tầm xa 9 foot (2,7 m) trang bị cho tháp pháo 'B', tháp điều khiển pháo và bên trên bệ la bàn. Một máy đo tầm xa góc cao 6 foot 6 inch (2,0 m) cũng được bố trí trên nóc cấu trúc thượng tầng phía trước dành cho các khẩu súng phòng không.[26]

Vỏ giáp

Tiger trong ụ tàu tại Rosyth trong đợt tái trang bị 1916–1917

Sơ đồ vỏ giáp bảo vệ cho Tiger tương đương như của Queen Mary. Đai giáp ở mực nước làm bằng vỏ giáp Krupp dày đến 9 inch (229 mm) ở giữa tàu, được vuốt mỏng còn 4 inch (102 mm) về phía hai đầu con tàu, nhưng không đến tận mũi và đuôi. Độ sâu của đai giáp bên dưới mực nước giảm còn 36–27 inch (914–686 mm), mặc dù một đường ván bằng vỏ giáp dày 3 inch (76 mm) và cao 3 foot 9 inch (1,14 m) được bổ sung bên dưới đai giáp, kéo dài từ phía trước bệ tháp pháo 'A' đến phía sau bệ tháp pháo 'B'. Nó dựa trên cấu trúc được sử dụng trên chiếc tàu chiến-tuần dương Nhật Bản Kongo,[27] ảnh hưởng về thiết kế duy nhất đối với Tiger được ghi nhận từ kỹ thuật đóng tàu của Nhật.[28]

Giống như Queen Mary và những chiếc thuộc lớp Lion, con tàu còn có một đai giáp trên với độ dày tối đa 6 inch (152 mm) trên cùng chiều dài với phần dày nhất của đai giáp ở mực nước, giảm còn 5 inch (127 mm) ngang với các tháp pháo tận cùng. Tuy nhiên, không giống các con tàu trên, Tiger còn có đường ván bổ sung dày 6 inch (152 mm) bên trên đai giáp trên để bảo vệ dàn pháo hạng hai. Các vách ngăn dày 4 inch (102 mm) đóng lại hai đầu của thành trì bọc thép. Thép tấm có độ co giãn cao được sử dụng cho các hầm tàu; sàn bọc thép dưới nói chung chỉ dày 1–1,5 inch (25–38 mm).[29]

Các tháp pháo chính có mặt trước và mặt hông dày 9 in (230 mm), và lớp vỏ nóc dày 2,5–3,25 inch (64–83 mm). Bệ tháp pháo được bảo vệ bởi vỏ giáp dày 8–9 inch (203–229 mm) bên trên thành trì, nhưng giảm còn 3–4 inch (76–102 mm) bên trong thành trì. Tháp chỉ huy chính dày 10 inch (254 mm) và có nóc dày 3–4 inch (76–102 mm); thành của các ống liên lạc dày 3–4 inch (76–102 mm). Tháp chỉ huy phía sau được bảo vệ bởi vách dày 6 inch và 3 inch thép đúc trên nóc. Vách ngăn chống ngư lôi bằng thép co giãn cao dày 1,5–2,5 inch (38–64 mm) được đặt ngang các hầm đạn và phòng đạn pháo.[29] Sau khi Trận Jutland bộc lộ sự mong manh của con tàu đối với đạn pháo bắn tới, một lớp vỏ giáp bổ sung nặng khoảng 295 tấn Anh (300 t) được tăng cường cho sàn tàu bên trên hầm đạn, nóc tháp pháo và các vách ngăn phân cách các khẩu pháo 6 inch.[23]

Chế tạo

Tiger được đặt lườn tại xưởng tàu của hãng John Brown and CompanyClydebank vào ngày 6 tháng 6 năm 1912. Nó được hạ thủy vào ngày 15 tháng 12 năm 1913 và đưa ra hoạt động cùng Hải quân Hoàng gia vào ngày 3 tháng 10 năm 1914.[30] Con tàu vẫn đang trong quá trình hoàn tất khi Chiến tranh Thế giới thứ nhất nổ ra vào tháng 8 năm 1914.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: HMS_Tiger_(1913) http://www.maritimequest.com/warship_directory/gre... http://www.navweaps.com/Weapons/WNBR_135-45_mk5.ht... http://www.navweaps.com/Weapons/WNBR_3-45_mk1.htm http://www.navweaps.com/Weapons/WNBR_6-45_mk7.htm http://www.navweaps.com/Weapons/WTBR_PreWWII.htm http://www.pbenyon1.plus.com/Janes_1919/B_Ships/Ti... http://dreadnoughtproject.org/tfs/index.php/Tiger_... http://newspapers.nl.sg/Digitised/Article/singfree... https://archive.org/details/kingsshipswereat0000go... https://web.archive.org/web/20110918111542/http://...